Một số vấn đề còn tồn tại khi xử lý kết hôn trái pháp luật do bị lừa dối hoặc cưỡng ép
Một bất cập xuất hiện trong quá trình giải quyết các vụ kết hôn trái pháp luật do bị cưỡng ép hoặc lừa dối, đó là vấn đề thời hiệu. Luật hiện hành không quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu quy định huỷ việc kết hôn do lừa dối, cưỡng ép. Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/10/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì “Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép đã biết nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hoà thuận thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết việc ly hôn theo thủ tục chung.” Điều khó lí giải ở đây là “Thế nào là “chung sống hòa thuận”?” Việc một đôi vợ chồng không bao giờ cãi nhau hay xảy ra bất đồng liệu có thể coi là chung sống hòa thuận? Chính vì vậy, thật khó để một bên kết hôn trái pháp luật hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thuyết phục được Toà án ra quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật do bị lừa dối cưỡng ép, một khi cuộc sống chung đã được duy trì trong một thời gian dài (10 năm, 15 năm…). Bởi vậy cho nên, quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật do bị cưỡng ép hoặc lừa dối là rất cần thiết. Ở các nước khác, luật pháp của họ quy định rất rõ thời gian để yêu cầu hủy kết hôn trái luật do cưỡng ép hay lừa dối, quá thời hạn đó, Tòa chỉ giải quyết cho ly hôn chứ không hủy kết hôn.