Kết hôn trái pháp luật do bị cưỡng ép (2)
Một bên hoặc cả hai bên nam nữ bị người khác cưỡng ép, buộc người bị cưỡng ép kết hôn trái với nguyện vọng của họ.
Cha mẹ buộc con phải kết hôn để trừ nợ – đây là trường hợp khá phổ biến ở đồng bào các dân tộc thiểu số, các gia đình nghèo (mặc dù hiện nay giảm đáng kể). Đây không chỉ là đơn thuần là việc ép buộc trong hôn nhân mà còn là hành vi đáng lên án vì con người bị đem ra trao đổi như một món hàng, bị tước đoạt đi mọi quyền tự do dân chủ. Nạn nhân của những cuộc gả bán như thế này thường là phụ nữ và không ít người trong số họ đã tìm đến cái chết vì không thể tự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Cha mẹ hai bên đã từng có hứa hẹn nên ép con cái của họ kết hôn với nhau. Việc đính ước từ trước này thường là giữa hai gia đình có mối giao hảo từ lâu của hai bên cha mẹ hoặc gia đình hai bên lấy hôn nhân để liên kết hai dòng họ nhằm mục đích về kinh tế hay chính trị. Một trường hợp nữa có thể kể đến là cha mẹ ép con cái phải kết hôn với một người đã được “chấm” từ trước hoặc ngăn cản con mình không được kết hôn với người mà cha mẹ không thích. Tất cả những hành động ép buộc trên đều xuất phát từ tư tưởng phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, trái ngược với tinh thần của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa “ép buộc” và “thuyết phục”. Có thể ban đầu cha, mẹ hướng con đến một đối tượng kết hôn không hợp ý của con nhưng sau một thời gian nghe cha mẹ mình khuyên nhủ, thuyết phục, người con đã thuận theo mà tiến đến hôn nhân thì đây không thể coi là kết hôn không tự nguyện. Bởi lẽ, một người bị “cưỡng ép” tức là về mặt ý chí người đó không thể tự làm chủ, chịu người khác điều khiển, áp đặt do bị lệ thuộc về mặt nào đó. Các trường hợp nêu lên trước đó, người bị ép buộc đều phải chịu áp chế về sức khỏe, tính mạng, vật chất hoặc tinh thần hay vì hiếu nghĩa mà phải kết hôn; còn trường hợp bị thuyết phục thì hoàn toàn tự do về mặt ý chí, thoải mái trong tư tưởng. Nói một cách khác, để xem xét một cuộc hôn nhân có sự cưỡng ép hay không, hoàn toàn dựa vào ý chí chủ thể tham gia mong muốn hay không mong muốn việc kết hôn đó.