Cưới hỏi và những tục kỳ lạ (3)
Ở một số nơi, người Dao có tục “cướp vợ”, “bắt cóc”. Có thể trước khi bắt, cô gái chàng trai chưa yêu nhau nhưng chàng trai thể hiện phẩm chất dũng mãnh, quyết đoán nên cô gái ưng thuận. Còn nếu cô không ưng, cô phải chạy về nhà yêu cầu anh trai, hoặc em trai can thiệp. Khi thấy cô gái bị bắt, bất cứ người ngoài nào cũng không được quyền can thiệp, chỉ có anh trai, em trai mới có quyền cứu. Trong trường hợp hai chàng trai cùng yêu một cô gái. Cô còn lưỡng lự chưa trả lời dứt khoát thì ai tổ chức “bắt” được, người đó sẽ là chồng cô gái. Người kia dẫu có nhìn thấy, trong lòng xót xa đến mấy cũng đành ngậm ngùi làm thinh, không có quyền ứng cứu.
Tục “bắt vợ” còn tồn tại nhiều dạng cả trong lễ cưới một số dân tộc khác. Người Phù Lá, trong lễ đón dâu có nghi thức nhà trai nhà gái tổ chức co kéo, giằng co cô dâu ba lần. Ở người Thái, trong lễ tẳng cẩu, vài người vờ nói chuyện với cô dâu và chú rể, bỗng nhiên họ nắm lấy tay cô dâu, kéo mạnh về phía chú rể.
Từ bao đời nay, tục “bắt vợ” vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc nhưng nó đã trở thành tục “kéo vợ”, ít mang tính chất cưỡng đoạt.
Dân tộc Kinh không có tập quán “cướp vợ, bắt vợ”, nhưng hiếm hoi cũng có một vài trường hợp “dụ dỗ con gái dẫn đi xứ khác” để rồi trở thành vợ chồng cùng nhau sinh sống.
Ngày nay, đa số chúng ta đều ý thức được việc chống lại hủ tục thách cưới, và đánh đổ sai lầm trong quan niệm “treo giá cao” mà thực chất là mang ra gả bán số phận người con gái.
Duyên con gái
Dân gian nước ta xưa nay vốn có một đầu óc châm biếm, chế nhạo thật là tuyệt kỷ. Một vài sơ hở kỳ quặc nào đó của thê nhân đều được người ta đưa lên “bia miệng” để lưu truyền ngàn năm! Việc cười cợt lề thói thách cưới cũng vậy. Đối với đa số tầng lớp quần chúng bình dị, việc thách cưới có thể xem là một trò hề kỳ quái, không thể chịu được. Một trò rởm được truyền miệng dân gian từ bao ngàn năm qua như sau:
Em là con gái nhà giàu,
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao.
Cưới em trăm tấm gấm đào,
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi,
Ống thuốc bằng ngọc, ống vôi bằng vàng.
Sắm xe tứ mã đem sang,
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu.
Ba trăm nón Nghệ đội đầu,
Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh.
Anh về sắm nhiễu Nghi Đình,
May chăn cho rộng, ta mình đắp chung.
Cưới em chín chĩnh mật ong,
Mười thúng vôi trắng, mười nong xôi vò.
Cưới em tám vạn trâu bò,
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,
Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi.
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi,
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng.
Thách thế mới thỏa trong lòng.
Chàng mà lo được, thiếp thời theo chân.
Thách cưới tới mức độ đó thì trên đời này có ai theo cưới được? Làm gì có được “hai mươi tám ông sao trên trời” với “răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi”? Lại còn “gan ruồi, mỡ muỗi” và cả mấy “con dơi góa chồng” nữa? Rõ là khôi hài hết chỗ nói và tưởng chừng những câu ca dao châm biếm này không còn tiếng thơ lời ca nào có thể vượt qua được. Mới hay cái óc trào lộng của người dân Việt thật là xuất chúng.
Khác với những tập tục kỳ lạ ấy, cặp đôi của thời thế hiện đại sẽ chuẩn bị cho mình một lễ cưới thật hoàn hảo để đánh dấu sự kiện quan trọng của đời người. Mời người thân, bạn bè đến tham dự tại trung tâm hội nghị để cùng chung vui với niềm hạnh phúc của lứa đôi.
Những phong tục cưới luôn là một trong những tập quán mà người Việt cần phải lưu giữ và bảo tồn.