Ý nghĩa của bánh phu thê trong lễ cưới của người Việt

Ý nghĩa của bánh phu thê trong lễ cưới của người Việt

Ngoài trầu cau, có một món ăn không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của Việt Nam, được ưu ái đặt riêng vào một mâm lễ, bạn có biết đó là gì không? Không quá khó đoán cho mọi người, đấy chính là những chiếc bánh phu thê được làm từ các loại nguyên liệu khác nhau cùng màu sắc trang trí độc đáo. Ngày nay, hầu như các nhà hàng tiệc cưới tphcm hay dịch vụ tổ chức sự kiện đều cung cấp mâm bánh làm sẵn, cô dâu chú rể dường như không phải lo nghĩ về điều này. Chính vì thế, nhiều đôi trẻ vẫn không biết những chiếc bánh này được tạo ra bằng cách nào. Nếu bạn muốn tự tay làm bánh phu thê để thể hiện thành ý với khách mời, đồng thời gửi gắm những mong ước của chính mình vào từng tác phẩm, nhà hàng tiệc cưới TPHCM sẵn lòng chia sẻ với bạn bí quyết làm nên những chiếc bánh tuyệt vời.

Ý nghĩa của bánh phu thê trong ngày cưới

Bánh phu thê hay còn được gọi vắn tắt là bánh su sê, là một trong những vật phẩm có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt, được người dân Việt gìn giữ qua nhiều thế hệ. Không chỉ có giá trị trong đám cưới mà ở tầm rộng hơn, chiếc bánh còn làm cho bản sắc văn hóa dân tộc thêm đa dạng, nhiều màu sắc. Tùy phong tục của mỗi vùng miền địa lý, hình thức của bánh cưới cũng có điểm khác biệt.

Cụ thể, bánh ở miền Bắc có hình tròn, được nhuộm đỏ hoặc vàng bằng phẩm màu tự nhiên rồi được gói cẩn thận vào khuôn giấy bóng kính và trưng bày trong mâm quả. Trong khi đó, bánh cưới của người miền Nam có màu trắng thuần khiết, gói trong những chiếc hộp vuông vức làm từ lá dứa, vừa mang lại một cảm giác “thôn quê” lại vừa tôn thêm hương vị của món bánh.

Mâm quả bánh phu thê Nam Bộ

Tên bánh xuất phát từ ngôn ngữ Hán Việt, có ý nghĩa là vợ chồng biểu trưng cho mong ước của đôi lứa về tình cảm thủy chung, son sắt, bền chặt theo năm tháng. Cấu tạo mỗi chiếc bánh gồm hai phần vỏ và nhân, tương ứng với lưỡng nghi âm – dương trong phong thủy học phương Đông. Nhân bên trong làm từ đậu xanh béo ngậy, thơm nức mùi cơm dừa sên, chính là hình ảnh biểu tượng cho người vợ. Phần vỏ bên ngoài tạo nên bởi lớp bột lọc trong suốt, sần sật, ôm trọn lấy nhân chính là người chồng. Theo đúng tập quán của người xưa, mâm quả cần phải chuẩn bị đủ 105 cái bánh cưới, thể hiện kỳ vọng cuộc sống vợ chồng trăm năm hạnh phúc, mãi mãi bên nhau đến bạc đầu.

Một số loại bánh cưới trong hôn lễ hiện đại

Cùng với sự phát triển của nền ẩm thực Việt theo thời gian, bánh phu thê đã vượt ra ngoài phạm vi của các loại nguyên liệu và hình dáng truyền thống. Ngày nay, những kiểu bánh mới dần xuất hiện cùng diện mạo độc lạ mà hương vị cũng không kém phần ấn tượng. Cùng nhà hàng tiệc cưới HCM điểm qua một vài loại bánh đặc sắc này.

Bánh cưới vỏ xôi

Vẫn giữ nguyên lớp nhân đậu xanh – dừa quen thuộc, điểm khác biệt của món bánh nằm ở phần vỏ được làm từ xôi nếp kết hợp với hương liệu tự nhiên. Một ít hạt mè rắc lên mặt bánh càng làm tổng thể thêm đẹp mắt. Phụ thuộc vào sự khéo léo của người thợ mà bánh cưới xôi được nhuộm xanh mướt của lá dứa hay tím lá cẩm quyến rũ, cuốn hút thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bánh cưới vỏ xôi nếp cẩm

>>> Tham khảo giá thực đơn khi đặt tiệc cưới

Bánh hồng

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn khá xa lạ khi nghe cái tên này. Đây là loại bánh thường xuất hiện trong các đám cưới hỏi miền Trung. Bánh mềm dẻo đem theo hương thơm đặc trưng của gạo nếp, kết hợp với nhân dừa tươi béo bùi, ngọt ngào như chính hạnh phúc lứa đôi vậy. Không nhất thiết phải là màu hồng như tên gọi, những màu sắc đa dạng như vàng, trắng đục, xanh lá cũng được tận dụng giúp mâm lễ thêm đa dạng.

Bánh hồng trong lễ cưới miền Trung

Lượt bỏ các chi tiết rườm rà, phức tạp, lễ cưới hiện đại mang đến cho quan khách trải nghiệm phong phú, thú vị hơn cùng sự xuất hiện của các món ăn độc đáo, hấp dẫn. Đôi khi, mọi người cũng có thể bắt gặp một đám cưới miền Tây mà tại đó họ dùng bánh pía đặc sản để thay thế loại bánh phu thê truyền thống. Tùy vào sở thích và thói quen của cư dân mỗi địa phương, sự khác biệt là điều có thể chấp nhận. Chỉ cần gửi gắm cùng một ý nghĩa, hình thức trình bày có thể sáng tạo, phá cách mà không cần phải đặt ra một giới hạn chính thức nào.