Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng ở Việt Nam

Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc hiến định và là một nguyên tắc cơ bản được cụ thể hóa trong Luật HN&GĐ. Nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân gia đình là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân gia đình nhằm mục đích xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và bền vững.

Với quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng giữa nam và nữ, xóa bỏ hoàn toàn chế độ đa thể, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng đã trở thành nguyên tắc quan trọng được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của nước ta và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật HN&GĐ, từ luật HN&GĐ năm 1959, luật HN&GĐ năm 1986 đến luật HN&GĐ năm 2000. Tại khoản 1 – điều 2 luật HN&GĐ năm 2000 ghi nhận: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng” là nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình.

Về bản chất, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng có nghĩa trong thời kỳ hôn nhân chỉ tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp và là quan hệ hôn nhân duy nhất. Theo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng thì chỉ những người chưa có vợ, chưa có chồng hoặc tuy đã kết hôn nhưng hôn nhân đó đã chấm dứt (vợ hoặc chồng họ đã chết hoặc vợ chồng đã ly hôn) thì mới có quyền kết hôn với người khác. Việc kết hôn của họ phải với những người đang không có vợ hoặc đang không có chồng, đó là những người thuộc trường hợp nêu tại Mục 1 điểm c.1 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP.

Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng không chỉ là một điều kiện kết hôn cần được tuân thủ, mà còn nhằm điều chỉnh cả hành vi chung sống như vợ chồng. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ không có đăng ký kết hôn nhưng về sống chung với nhau; có thể tổ chức lễ cưới hoặc không tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán; gia đình có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận. Việc chung sống như vợ chồng là thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng và có tài sản chung. Sẽ không phải là chung sống như vợ chồng nếu nam và nữ lén lút quan hệ với nhau, mà không chung sống công khai. Chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ có thể xảy ra hai trường hợp: chung sống trái pháp luật và chung sống không trái pháp luật. Theo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, trường hợp người đang có vợ, có chồng mà chung sống với người khác hoặc ngược lại người đang không có vợ, có chồng mà chung sống với người đang có vợ, đang có chồng là chung sống trái pháp luật. Pháp luật chỉ cho phép nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng khi cả hai bên không có vợ, không có chồng. Như vậy, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng mang tính bắt buộc đối với cả hai chiều chủ thể tham gia quan hệ. Nguyên tắc này không chỉ đặt ra đối với người đang có vợ, có chồng mà còn là yêu cầu đối với cả người chưa có vợ, chưa có chồng cũng phải tuân thủ. Có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được thực hiện một cách nghiêm túc trong thực tế.

Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là tư tưởng chủ đạo quán triệt toàn bộ các quy phạm pháp luật hôn nhân gia đình, quy định người đang có vợ, có chồng không được phép kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác và ngược lại, bất cứ một người nào khác cũng không được phép kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác đang có vợ, có chồng; đồng thời thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng