Đăng ký kết hôn khi lập gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách (Lời nói đầu, Luật Hôn nhân và gia đình nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2000). Có nhiều cơ sở để xác lập nên một gia đình, trong đó hôn nhân là yếu tố chủ đạo. Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin đã khẳng định rằng hôn nhân và gia đình là các quan hệ xã hội ra đời mang tính lịch sử, cùng với sự xuất hiện của xã hội có giai cấp, chế độ tư hữu và Nhà nước. Vì vậy, như bất cứ một quan hệ xã hội nào, quan hệ hôn nhân và đình cũng chịu sự tác động, điều chỉnh của Nhà nước thông qua các quy định của pháp luật mà trước tiên phải kể đến là vấn đề kết hôn và đăng ký kết hôn. Đăng ký kết hôn là một sự kiện pháp lý quan trọng tạo nên một tế bào mới cho xã hội, đồng thời thể hiện sự giám sát của Nhà nước đối với việc tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật hôn nhân và gia đình nói riêng.

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp nam nữ mong muốn xác lập quan hệ vợ chồng đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, hoặc nhiều trường hợp nam nữ chỉ mong muốn chung sống như vợ chồng với suy nghĩ “sống thử”. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: do phong tục, tập quán; do xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa đã góp phần mang văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Trong xu thế phát triển kinh tế, văn hóa của nước ta hiện nay, việc chung sống như vợ chồng vẫn sẽ tồn tại, thậm chí có thể có chiều hướng gia tăng. Điều này sẽ gây ra những tác động lớn đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng và những người có liên quan.

Xuất phát từ thực tiễn đó, bài cần chỉ ra những ảnh hưởng của nó đến quan hệ vợ chồng – quan hệ giữa các bên chung sống, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm hạn chế hiện tượng nam nữ chung sống như vợ chồng trong xã hội, bảo vệ quyền lợi của những người có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.